Skip to main content

Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội

   1. Điều kiện tự nhiên.

 Xã Thiện Hòa nằm ở phía Tây Bắc của huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, cách trung tâm huyện khoảng 35km. Xã có diện tích tự nhiên là 8.524ha, chiếm 7,8% diện tích tự nhiên của toàn huyện. Địa giới hành chính của xã được xác định như sau: phía Đông, Đông Bắc giáp xã Yên Lỗ; phía Đông, Đông Nam giáp các xã Thiện Thuật, Hòa Bình; phía Nam, Tây Nam giáp xã Thiện Long; phía Tây, Tây Bắc giáp các xã Cư Lễ, Dương Sơn (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn). Dân cư trên địa bàn gồm có 2 dân tộc là Nùng và Dao cùng chung sống. Theo số liệu thống kê năm 2020, xã có 750 hộ gia đình với 3.418 nhân khẩu trong đó: dân tộc Nùng có 589 hộ với 2.712 nhân khẩu (chiếm tỷ lệ 79,3% dân số toàn xã); dân tộc Dao có 161 hộ với 706 nhân khẩu.

Xã có địa hình đồi núi là chủ yếu (chiếm trên 90%), bị chia cắt bởi các khe dọc và suối. Địa hình tạo điều kiện thuận lợi cho xã trong phát triển kinh tế đồi rừng. Đặc biệt, khu vực núi đá vôi ở thôn Lân Luông phù hợp với việc phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày. Xã nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với tổng nhiệt độ trung bình năm từ 8.000 - 8.500°C, đặc điểm khí hậu chia làm 4 mùa rõ rệt (xuân, hạ, thu, đông). Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10; mùa khô từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Nhiệt độ trung bình trong năm từ 20 - 35°C. Lượng mưa trung bình năm là 1.540mm.

Địa bàn xã chịu ảnh hưởng bởi lưu lượng nước của các suối nhỏ và các mạch nước ngầm. Trong đó, suối có lưu lượng nước lớn nhất là suối Yên Hùng, nguồn nước mặt dồi dào về mùa mưa, cạn kiệt về mùa khô nên hàng năm vào mùa khô luôn bị thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt.

2.  Lịch sử hình thành

Qua quá trình phát triển của lịch sử, địa giới hành chính, diện mạo, địa danh Thiện Hòa có nhiều thay đổi. Cuối thế kỷ XIX, sau khi ổn định việc xâm chiếm Bình Gia, thực dân Pháp đã chia châu Bình Gia thành 7 đơn vị hành chính, vùng đất của xã Thiện Hòa thuộc tổng Hóa Nhân, châu Bình Gia, xứ Lạng Sơn.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra sắc lệnh sáp nhập các xã nhỏ thời phong kiến thành các xã lớn. Theo đó, năm 1947, các xã Bảo Thiện, Yên Hùng, Bắc Hòa hợp nhất thành xã Thiện Hòa (xã Thiện Hòa lúc đó vẫn bao gồm cả xã Thiện Long ngày nay).

Thực hiện Sắc lệnh số 148/SL, ngày 25/3/1948 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc bãi bỏ các danh từ phủ, châu, quận. Đơn vị hành chính trên cấp xã và dưới cấp tỉnh thống nhất gọi là cấp “huyện”, năm 1948, châu Bình Gia đổi tên thành huyện Bình Gia. Trong thời gian này xã Thiện Hòa thuộc huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn.

Năm 1958, xã Thiện Long được tách ra từ xã Thiện Hòa. Xã Thiện Hòa có 8 thôn gồm: Nà Tàn, Thâm Khôn, Ba Biển, Yên Hùng, Nà Lẹng, Cặm Tắm, Tồng Nộc, Khuổi Nà.

Năm 1976, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa VI, tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng sáp nhập thành một tỉnh mới là tỉnh Cao Lạng. Xã Thiện Hòa thuộc huyện Bình Gia, tỉnh Cao Lạng.

Tháng 12/1978, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa VI ban hành nghị quyết chia tỉnh Cao Lạng để tái lập tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn. Xã Thiện Hòa thuộc huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn.

Năm 2019, thực hiện đề án sáp nhập thôn, xã Thiện Hòa sáp nhập thôn Yên Hùng với thôn Khuổi Nà thành thôn mới lấy tên là Yên Hùng; sáp nhập thôn Nà Lẹng với thôn Cặm Tắm thành thôn mới là Nà Lẹng. Năm 2020, sáp nhập thôn Thạch Lùng với thôn Nà Tàn thành thôn là Nà Tàn. Hiện nay, địa giới và đơn vị hành chính của xã ổn định với 7 thôn: Lân Luông, Nà Tàn, Thâm Khôn, Ba Biển, Yên Hùng, Nà Đảng, Nà Lẹng.

3. Truyền thống văn hóa, lịch sử

Trên địa bàn xã có 2 dân tộc Nùng và Dao cùng sinh sống, mỗi dân tộc có phong tục tập quán và truyền thống văn hóa riêng nhưng Nhân dân các dân tộc luôn đoàn kết, gắn bó keo sơn cùng nhau xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước. Đó là mạch nguồn văn hóa, đạo đức lẽ sống của đồng bào dân tộc trên địa bàn.

Nhân dân Thiện Hòa có đời sống văn hóa tinh thần phong phú và đa dạng, tạo ra những nét hấp dẫn riêng như các phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống.

Về tín ngưỡng, người dân Thiện Hòa có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Tục thờ cúng tổ tiên ở Thiện Hòa khá sâu sắc, đã trở thành một tập tục truyền thống, có vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của người dân. Gia đình nào cũng có bàn thờ tổ tiên đặt ở nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà. Đây là nét văn hóa thể hiện lòng thành kính, biết ơn của con cháu đối với công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà tổ tiên. Ngoài ra, mỗi thôn có một miếu để thờ thành hoàng làng, trong đó nổi bật nhất là miếu ở thôn Lân Luông thờ tướng Mã Phúc Po - một vị tướng thời kỳ chống Pháp, hàng năm vào các ngày mùng 1, ngày rằm và các dịp lễ tết, Nhân dân trong các thôn bản đến cúng lễ và thắp hương tại miếu để cầu bình an xóm làng, cầu sức khỏe cho mọi người.

Hàng năm người Nùng thường tổ chức ăn tết vào các ngày: Tết Nguyên đán (Bơn chiêng, vằn nèn, Kin nèn); Tết Thanh minh (tảo mộ, chạp mả 3/3 âm lịch); Tết Đoan Ngọ 5/5 âm lịch, hay còn gọi là diệt sâu bọ (khả mốc mèng); Lễ cúng thần ruộng, vía trâu; Tết 14/7 (nèn bươn chất slíp slí); Tết trung thu (rằm tháng tám); Tết cốm và cơm mới vào tháng chín và tháng mười âm lịch… Đời sống tinh thần của người Nùng, Dao ở Thiện Hòa rất đa dạng và phong phú, nổi tiếng với các làn điệu dân ca như hát then, pựt, hát Sli, Sloong hàu, sình làng. Ẩm thực của đồng bào dân tộc trong xã rất đa dạng, nhất là trong các ngày Tết, nổi bật với các món như: vịt quay, lợn quay, khau nhục, gà tần, xôi, bánh (xôi màu, xôi trám, bánh chưng, bánh dày, bánh ngải, bánh tro), măng đắng luộc, rau ngót rừng xào, canh măng, trám trắng, trám đen, măng nhồi… kết hợp với đồ uống phổ biến là rượu được nấu bằng gạo, ngô (lẩu sliêu), rượu nếp ủ trong hũ (lẩu van). Nét đặc trưng trong ẩm thực của Nhân dân nơi đây là các món ăn thường thiên về xào, nấu, quay và đặc biệt các loại xôi, bánh được làm từ gạo nếp thể hiện sự tinh tế, khéo léo trong việc chế biến các món ăn từ những nguyên liệu quen thuộc.

Nhắc đến đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc xã Thiện Hòa không thể không nhắc tới lễ hội, nổi bật là lễ hội xuống đồng được tổ chức ở các thôn từ ngày 6 - 12 tháng Giêng hàng năm. Trong lễ hội, có phần lễ và phần hội, phần hội nổi bật với các trò chơi dân gian như lạy cỏ, ném còn, kéo co… các hoạt động văn nghệ như hát sli, múa lân…

Về trang phục, đặc trưng nữ giới Nùng có áo chàm dài màu đen, có đai thắt ở eo, đầu chít khăn vuông. Nam giới Nùng chỉ có áo ngắn, xẻ ngực (nạu kháu). Dân tộc Dao ở Thiện Hòa thường mặc trang phục được thêu hoa văn rất tinh xảo, thường là hoa văn về hoa cỏ, chim muông. Ngày nay để tiện hơn cho sinh hoạt, lao động sản xuất, người Nùng, Dao ở Thiện Hòa chỉ mặc trang phục truyền thống vào những dịp lễ, tết, cưới xin còn ngày thường trang phục giống người Kinh.

Do vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên ở vùng rừng núi nên từ xa xưa người Nùng thường cư trú trong những ngôi nhà sàn được dựng cao hơn mặt đất để tránh sự tấn công của thú dữ và chống chọi lại thiên nhiên khắc nghiệt. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, những ngôi nhà sàn mộc mạc, giản dị đã trở thành nét đặc trưng trong đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Nùng ở Thiện Hòa. Nhà sàn của người Nùng thường làm bằng các loại gỗ quý, chắc chắn, lợp ngói âm dương. Hiện nay do sự phát triển của kinh tế - xã hội, đời sống vật chất của Nhân dân ngày càng được cải thiện nên những ngôi nhà sàn dần được thay thế bằng những ngôi nhà xây bằng gạch chắc chắn, cách bố trí trong nhà có nhiều thay đổi thuận lợi cho sinh hoạt và lao động sản xuất.

Bên cạnh những đặc trưng văn hóa, Thiện Hòa còn là nơi hội tụ của những truyền thống tốt đẹp. Trải qua những thăng trầm của lịch sử cùng những biến cố của thiên tai, địch họa, những truyền thống đó ngày càng được đúc kết  tạo nên bản sắc riêng trong mỗi người con Thiện Hòa, mang nét đặc trưng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.

Truyền thống trong lao động và sản xuất: Sinh tồn và phát triển trên vùng đất nhiều khó khăn nên các thế hệ người dân Thiện Hòa đã sớm hình thành nên truyền thống lao động cần cù, chịu thương, chịu khó. Qua quá trình khai phá vùng đồi núi hoang sơ, bằng bàn tay lao động cần cù và khối óc sáng tạo, Nhân dân các dân tộc Thiện Hòa đã vượt qua khó khăn của tự nhiên, biến vùng đất hoang sơ, cằn cỗi thành những thôn bản trù phú, đất đai màu mỡ và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển. Những khó khăn trong quá trình sản xuất đã rèn luyện ý chí, nghị lực, tinh thần lạc quan, không quản ngại khó khăn trong lao động cho các thế hệ người dân Thiện Hòa.

Truyền thống hiếu học và sáng tạo:  Từ ngàn đời nay, hiếu học đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam nói chung và với Thiện Hòa nói riêng. Đây là nét đẹp văn hóa được hun đúc trong quá trình xây dựng và phát triển của Nhân dân các dân tộc nơi đây. Trải qua quá trình lịch sử, truyền thống hiếu học luôn được những người con của Thiện Hòa phát huy và ngày càng được nâng cao. Thế hệ trẻ Thiện Hòa ngày nay không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn trong cuộc sống để đến trường, tiếp thu tri thức nhằm góp sức mình vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.

Hiện nay, công tác giáo dục ở Thiện Hòa luôn được Đảng bộ và chính quyền xã quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Những năm gần đây, trên địa bàn xã có nhiều con em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Đây chính là nguồn nhân lực quan trọng để xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh, xứng đáng với sự hi sinh của thế hệ ông cha đi trước.

Truyền thống yêu nước và cách mạng: Để có được cuộc sống bình yên như hôm nay, Nhân dân Thiện Hòa qua nhiều thế hệ đã cùng Nhân dân trong huyện, trong tỉnh và cả nước đứng lên chống giặc ngoại xâm. Lòng yêu nước được nuôi dưỡng và hun đúc thành truyền thống quý báu. Chính từ tình yêu quê hương đất nước đã trở thành chất keo kết nối những con người Thiện Hòa với nhau trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và bảo vệ Tổ quốc, truyền thống yêu nước, tinh thần kiên cường, bất khuất ấy càng được hun đúc và tôi luyện. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, đã có nhiều người con của Thiện Hòa lên đường chiến đấu, xung phong vào các mặt trận ác liệt, vì tự do và chủ quyền của đất nước.

Ngày nay, khi đất nước đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nhân dân Thiện Hòa luôn tự hào về truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Có thể nói, chính đời sống văn hóa, tinh thần phong phú và truyền thống lịch sử cách mạng lâu đời đã hun đúc nên phẩm chất, cốt cách con người Thiện Hòa trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Nền tảng tinh thần vững chắc đã giúp cho Nhân dân Thiện Hòa vượt qua bao khó khăn, thử thách, góp phần cùng Nhân dân cả nước đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, giữ vững nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

4. Danh lam thắng cảnh

Núi Nàng Tiên (đồi cỏ Lân Luông) thôn Lân Luông, xã Thiện Hòa, là khu vực có địa hình đồi núi thấp với những thảm cỏ xanh mướt, rộng khoảng 240ha. Đứng ở đây có thể cảm nhận được sự hùng vĩ, bao la của đất trời Bình Gia - vùng đất mang theo nhiều điều bí ẩn, cảnh đẹp đang chờ những người yêu thiên nhiên đến khám phá, thưởng ngoạn và tận hưởng vđẹp tự nhiên yên bình. Núi Nàng Tiên có tiềm năng để phát triển thành khu nghỉ dưỡng, cắm trại, vui chơi. Tuy nhiên, nơi đây còn khá hoang sơ do cách xa trục đường chính, giao thông xuống cấp, nhiều đoạn còn chưa được nâng cấp thành đường bê tông, nhựa nên gây khó khăn cho việc tiếp cận. Hiện nay khu vực núi Nàng Tiên đã được Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Lạng Sơn cử đoàn công tác tới khảo sát, lập quy hoạch.

About